Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia năm 2016, chủ đề “Môi trường đô thị”, do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại Hà Nội, hoạt động giao thông vận tải là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí tại các đô thị. Theo các chuyên gia, quá trình đốt cháy các nhiên liệu như xăng, dầu diesel sản sinh ra các khí độc hại như SO2, NO2, không những ảnh hưởng xấu tới tầng khí quyển mà còn nguy hại nghiêm trọng tới sức khỏe của con người.
Nguồn: Internet
Tuy nhiên, nhu cầu đi lại của người dân tại khu vực đô thị là rất cao, hoạt đông giao thông vận tải cũng là huyết mạch của bất cứ nền kinh tế nào. Việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường luôn là bài toán khó với các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam. Trong các giải pháp được đưa ra, nghiên cứu và phát triển xe điện là biện pháp được áp dụng ở nhiều nước và đã chứng tỏ được hiệu quả của mình.
Động cơ điện có những ưu điểm vượt trội so với động cơ đốt trong truyền thống như hiệu suất cao, không phát thải các khí độc hại ra môi trường. Dù vậy, xe chạy điện còn nhiều nhược điểm như thời gian sạc lâu, quãng đường đi được ngắn nên vẫn còn ít phổ biến hơn so với xe động cơ đốt trong.
Khai trương Trung tâm nghiên cứu và phát triển xe điện. Nguồn: tlu.edu.vn
Nhận thức rõ được những vấn đề này, Khoa Cơ khí, Trường Đại học Thủy lợi đã hợp tác với Công ty Cổ phần Thọ Xuân thành lập “Trung tâm nghiên cứu và phát triển xe điện”. Điều đặc biệt là ông Trần Đức Tính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thọ Xuân, là một cựu sinh viên của Khoa, lớp 29M.
Trung tâm nghiên cứu và phát triển xe điện là nơi để các nhà nghiên cứu ứng dụng các kết quả của mình vào trong thực tế. Các bạn sinh viên cũng có điều kiện được thực hành, thực tập giúp nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên Khoa Cơ khí, Trường Đại học Thủy lợi. Đây cũng là mô hình hợp tác kiểu mẫu giữa Khoa với doanh nghiệp, đặc biệt là các cựu sinh viên của Khoa, trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Chủ tịch HĐQT Trần Đức Tính, TS. Nguyễn Ngọc Linh làm việc với chuyên gia từ Công ty Polytec (CHLB Đức)
Dù mới thành lập, trung tâm đã có được một số kết quả đáng ghi nhận như nghiên cứu, tính toán thiết kế, chế tạo và đưa vào thử nghiệm 05 mẫu xe chuyên dùng. Các sản phẩm này được ứng dụng chủ yếu trong việc vận tải hàng hóa tải trọng vừa và nhỏ, đáp ứng nhu cầu vẩn tải hàng hóa trong đô thị và các vùng nông thôn. Phát biểu tại lễ khai trương Trung tâm, TS. Đoàn Yên Thế, trưởng Khoa Cơ khí chia sẻ: “Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, cải tiến xe điện đồng thời xây dựng quy trình sản xuất, lắp ráp; sau đó đưa sản phẩm đi kiểm định, chuyển giao công nghệ”.
Một số sản phẩm của Trung tâm