“Máy khai báo y tế 3 trong 1” - sáng kiến hữu hiệu chung sức đẩy lùi dịch bệnh
Tích hợp 3 chức năng quan trọng trong cùng một sản phẩm: Đo thân nhiệt, xịt khuẩn tay tự động, nhận diện khuôn mặt, sáng kiến “Máy khai báo y tế 3 trong 1” của Tiến sĩ Đoàn Yên Thế - Trưởng Khoa Cơ khí, Trường Đại học Thủy Lợi cùng các cộng sự nghiên cứu, sản xuất thành công thực sự là giải pháp hữu hiệu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp.
Chia sẻ về ý tưởng thiết kế “Máy khai báo y tế 3 trong 1”, Tiến sĩ Đoàn Yên Thế cho biết: Hiện nay phương án được sử dụng tại các cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp thường là sử dụng kết hợp các thiết bị đo thân nhiệt (tự động hoặc có người đứng đo), thiết bị xịt dung dịch sát khuẩn tay (bình xịt hoặc thiết bị xịt tự động), giám sát người ra vào (camera hoặc sổ ghi chép)…
Tiến sĩ Đoàn Yên Thế chia sẻ về những tính năng ưu việt của sản phẩm
Nhược điểm của các hình thức trên là mỗi công việc (đo thân nhiệt, xịt sát khuẩn, giám sát) đều được thực hiện riêng lẻ dẫn tới hệ thống làm việc cồng kềnh, số nhân sự cần phục vụ lớn, dữ liệu thống kê không đồng bộ. Đó là chưa kể còn làm tăng thời gian xếp hàng chờ đợi khi lượng người ra vào đông, dẫn đến tăng nguy cơ lây nhiễm; một số bước thực hiện theo kiểu thủ công cũng khiến người thực hiện (người cầm máy đo, người ghi chép) có nguy cơ nhiễm bệnh và truyền bệnh cao.
Một hạn chế nữa được Tiến sĩ Thế chỉ ra đó là hầu hết các giải pháp tự động hiện nay chỉ mới tích hợp theo dõi thân nhiệt và xịt cồn tự động, chưa có khả năng lưu trữ dữ liệu theo từng người dùng khác nhau. Vì vậy, công dụng của sản phẩm chỉ có tác dụng tại thời điểm đo, mà không lưu lại được các thông tin cho quá trình giám sát, truy vết sau này.
Nhằm khắc phục những nhược điểm đó, Tiến sĩ Đoàn Yên Thế và các cộng sự Khoa Cơ khí, Đại học Thủy Lợi đã đưa ra giải pháp “Máy khai báo y tế 3 trong 1” với mục đích hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ quan, doanh nghiệp, trường học, những đơn vị có số lượng người hoạt động lớn.
Theo đó, từ tháng 1/2021, Tiến sĩ Thế và các cộng sự đã bắt đầu tìm tòi, thiết kế, ứng dụng các công nghệ khác nhau để chế tạo sản phẩm rồi tiến hành thử nghiệm tại Trường Đại học Thủy Lợi và một số trường trung học phổ thông trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội). Sau 3 tháng với nhiều lần chỉnh sửa độ chính xác, đến nay, sản phẩm đã có thể tiến hành đưa vào sản xuất công nghiệp, phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Đúng như tên gọi, “Máy khai báo y tế 3 trong 1” được thiết kế nhỏ gọn gồm ba phần: Đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, chụp ảnh nhận diện khuôn mặt.
Về cơ chế hoạt động, khách hàng chỉ cần đứng trước thiết bị với khoảng cách 30-40 mm là có thể được thiết bị nhận diện và điểm danh trong 5-7s. Dữ liệu nhận diện gồm: Tên, chức vụ, nhiệt độ; dữ liệu được chuyển lên server thông qua hệ thống dữ liệu đám mây để lưu trữ và tích hợp trong các báo cáo của trường học, doanh nghiệp.
Khách hàng chỉ cần đứng trước thiết bị với khoảng cách 30-40 mm là có thể được thiết bị nhận diện và điểm danh trong 5-7s.
Là cộng sự cùng tham gia nghiên cứu, sản xuất sản phẩm “Máy khai báo y tế 3 trong 1”, Thạc sĩ Nguyễn Tiến Thịnh (Khoa Cơ khí, Trường Đại học Thủy Lợi) cho biết: Nếu nhiệt độ người tương tác với thiết bị vượt quá mức cho phép (trên 37,5 độ), thiết bị sẽ tự động cảnh báo và yêu cầu người tương tác với thiết bị phải đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.Nếu khách ghé thăm có nhiệt độ cao, máy sẽ kêu “tít, tít” để báo hiệu khách không đủ “chuẩn" y tế. Đồng thời, khi khách tới gần, nhìn vào máy, máy sẽ chụp lại hình ảnh, nhận diện khuôn mặt để biết khách lạ hay người nằm trong danh sách ra vào tòa nhà. Đặc biệt, khi khách đưa tay vào bồn khử khuẩn, dung dịch sẽ tự động xịt sát khuẩn cho khách nhờ hệ thống cảm ứng thông minh.
Chia sẻ về giải pháp triển khai ứng dụng trong thực tiễn, Tiến sĩ Đoàn Yên Thế cho biết: Việc sử dụng máy khá đơn giản, vì máy dễ dàng kết nối với máy tính và điện thoại di động. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... khi cần sử dụng máy như một nhân viên đo thân nhiệt tại văn phòng, chỉ cần nhập dữ liệu cán bộ, công nhân viên qua máy tính hoặc điện thoại di động, máy sẽ tự động đo thân nhiệt, báo cáo đến hệ thống tất cả các trường hợp nhân viên ra vào tòa nhà.
Khách ghé thăm cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... có thể khai báo y tế qua máy bằng việc nhập thông tin cá nhân trực tiếp hoặc thông qua điện thoại di động. Máy sẽ lưu lại tiền sử y tế, nhận diện khuôn mặt (chính xác kể cả trong trường hợp người đeo khẩu trang) tất cả mọi người đã ra vào tòa nhà và lưu giữ toàn bộ dữ liệu này.
Người sử dụng có thể quét mã QR code qua máy để kiểm tra thông tin hoặc có thể lấy thông tin trên ứng dụng cài đặt trên điện thoại. Bên cạnh đó, khi kết nối dữ liệu bệnh nhân Covid-19, máy có thể phát hiện và chỉ ra các trường hợp F0, F1, F2...
Với ý tưởng thiết kế “Máy khai báo y tế 3 trong 1”, Tiến sĩ Đoàn Yên Thế và các cộng sự đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam biểu dương, khen thưởng trong Chương trình "75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển".
Chương trình do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động nhằm phát huy sáng kiến, ý tưởng sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, cải tiến kỹ thuật trong công nhân, viên chức, lao động, qua đó thúc đẩy phong trào thi đua ngày càng thực chất, hiệu quả.
|
Về hiệu quả ứng dụng sản phẩm vào thực tiễn, Tiến sĩ Thế cho biết: Hiện nay, cả nước có khoảng hơn 20.000 trường học ở các cấp, hơn 320 khu công nghiệp, và rất nhiều các cơ quan, đơn vị khác. Có thể thấy phạm vi và mức độ phổ biến của giải pháp khi áp dụng thành công sẽ rất lớn.
Cụ thể, đối với các cơ sở được lắp đặt máy, giải pháp giúp giảm chi phí thuê nhân viên trực giám sát người ra vào, kiểm tra sức khỏe. Bên cạnh đó, sản phẩm có tích hợp khả năng chấm công, điểm danh, các đơn vị không cần phải lắp thêm các thiết bị chấm công, điểm danh bên ngoài nữa.
Đối với Nhà nước, dữ liệu y tế của người vào - ra các đơn vị được lưu lại theo lịch sử thời gian, dễ dàng truy vết nếu phát hiện ra trường hợp nhiễm bệnh, sản phẩm cũng có thể kết hợp với dữ liệu trên ứng dụng Blue zone để giảm tối đa thời gian truy vết các ca bệnh, tiết kiệm đáng kể nguồn nhân lực, vật lực cho chính quyền địa phương và ngành Y tế.
Về mặt xã hội, giải pháp trước hết là một công cụ đắc lực cho chính quyền, ngành Y tế, ban quản lý các đơn vị trong quá trình giám sát sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
“Tôi tin rằng sản phẩm sẽ góp phần thay đổi thói quen cho người dân khi đi đến những nơi công cộng luôn chú ý đeo khẩu trang (sản phẩm có tính năng nhắc nhở người không đeo khẩu trang) và rửa tay trước khi tiếp xúc với người khác. Việc xây dựng những thói quen lành mạnh cho người dân là một trong những yếu tố quan trọng nhất để cả nước có thể nhanh chóng vượt qua những khó khăn hiện nay”, Tiến sĩ Đoàn Yên Thế chia sẻ.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp không chỉ tại Việt Nam mà còn tại nhiều nước trên thế giới, cướp đi sinh mạng của hàng nhiều người, công tác phòng, chống dịch là rất cấp thiết, đặc biệt là tại những cơ sở, xí nghiệp, khu chung cư, trường học, bệnh viện, những nơi tập trung đông người,
Sản phẩm có tính năng nổi bật, đó là: Tích hợp 3 chức năng quan trọng trong cùng một sản phẩm: Đo thân nhiệt, xịt khuẩn tay tự động, nhận diện khuôn mặt (bao gồm cả đeo và không đeo khẩu trang). Sản phẩm có kích thước nhỏ gọn, dễ dàng gắn lên tường hoặc đặt lên cây cố định.
Hai là, có thể chụp ảnh, lưu trữ dữ liệu người dùng gồm: Thông tin đối tượng; nhiệt độ, thời điểm đo. Tính năng này giúp dễ dàng cập nhật và truy vết thông tin (nếu có) người bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, có thể nhận diện khuôn mặt: Khi đối tượng đã có dữ liệu trên hệ thống, thiết bị sẽ tự động nhận diện danh tính đối tượng thông qua thuật toán AI nhận diện khuôn mặt, tốc độ nhận diện nhanh với độ chính xác cao.
Đặc biệt, sản phẩm có thể lưu trữ dữ liệu và trích xuất lịch sử đối tượng online trực tiếp trên website hoặc app hệ thống. Dữ liệu được trình bày trực quan, tra cứu trên đa nền tảng giúp quá trình tra cứu được tiện lợi, kịp thời.
|
Theo báo Lao động thủ đô