LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
KHOA CƠ KHÍ - 38 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Thông tin chung
- Tên Khoa: Khoa Cơ khí
- Năm thành lập: 1986
- Địa chỉ: Khoa Cơ khí – Trường Đại học Thủy lợi, Phòng 312, nhà A1 Trường Đại học Thủy lợi, 175 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội.
- Email: [email protected]
- Website: https://khoacokhi.tlu.edu
Các điểm mốc lịch sử
Ngày 19 tháng 12 năm 1986, Bộ Thủy Lợi ra quyết định thành lập Khoa Cơ khí Thủy Lợi nay là Khoa Cơ khí được tách ra từ khoa Thủy điện và Thiết bị Thủy Lợi với 4 bộ môn: Máy xây dựng, Chế tạo máy, Cơ lý thuyết và Hình họa kỹ thuật, để quản lý và đào tạo kỹ sư ngành Máy xây dựng và Thiết bị Thủy Lợi, nhằm phục vụ cho việc xây dựng và khai thác công trình thủy lợi, thủy điện và các ngành xây dựng khác.
Hiện nay, Khoa Cơ khí trường Đại học Thuỷ lợi có chức năng thực hiện công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học các chuyên ngành của Khoa phụ trách. Quản lý chất lượng giảng dạy và học tập, không ngừng hoàn thiện, nâng cao năng lực toàn diện, chất lượng chuyên môn của cán bộ, giảng viên và sinh viên thuộc Khoa.
Khoa Cơ khí còn có chức năng thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, góp phần hiệu quả vào việc phát triển khoa học và công nghệ. Các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của Khoa tập trung vào các lĩnh vực như: thiết kế và phát triển sản phẩm, thiết bị và máy móc công nghiệp, dây chuyền sản xuất tự động, thiết bị chế biến thực phẩm, nhựa, nhiệt lạnh, cơ điện tử – robot, tự động hóa, công nghiệp phụ trợ,…
Sứ mệnh của Khoa Cơ khí là xây dựng Khoa Cơ khí – Trường Đại học Thủy lợi thành đơn vị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực kỹ thuật cơ khí, ô tô, cơ điện tử - tự động hóa, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Trường Đại học Thủy lợi.
Tầm nhìn đến năm 2030, Khoa Cơ khí - Trường Đại học Thủy lợi sẽ trở thành một đơn vị đào tạo, định hướng nghiên cứu, có mô hình quản trị tiên tiến, môi trường học thuật sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nhu cầu xã hội, có uy tín và thương hiệu trong lĩnh vực cơ khí, ô tô, cơ điện tử - tự động hóa.
Đội ngũ cán bộ
Đội ngũ giáo viên trong Khoa đã có nhiều thay đổi kể cả lượng và chất, đã có những tiến bộ đáng kể. Hiện nay Khoa Cơ khí có đội ngũ có là 62 cán bộ, giảng viên giàu kinh nghiệm, trình độ cao, trong đó: 08 Giáo sư, Phó Giáo sư, 24 Tiến sỹ, 11 Nghiên cứu sinh, 18 Thạc sĩ. Hầu hết giảng viên được đào tạo từ các nước phát triển, có nền khoa học và kỹ thuật tiên tiến như Đức, Pháp, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc.
Khoa đã có 6 giáo viên được phong tặng nhà giáo ưu tú, nhiều người là chiến sỹ thi đua, giáo viên dạy giỏi, được tặng 4 huân chương lao động hạng 3, nhiều huy chương vì sự nghiệp giáo dục đào tạo, huy chương vì sự nghiệp nông nghiệp và phát triển nông thôn, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen Bộ trưởng.
Kết quả đào tạo
Đào tạo trình độ đại học: 04 ngành
- Kỹ thuật cơ khí;
- Công nghệ chế tạo máy;
- Kỹ thuật ô tô;
- Kỹ thuật cơ điện tử.
Đào tạo trình độ thạc sĩ: ngành Kỹ thuật cơ khí.
Đào tạo trình độ tiến sĩ: ngành Kỹ thuật cơ khí động lực.
Trải qua quá trình 65 năm đào tạo, 38 năm xây dựng và phát triển, Khoa Cơ khí đã đào tạo được trên 10.000 Kỹ sư Cơ khí, 120 Thạc sĩ và 9 Tiến sĩ. Các kỹ sư cơ khí được đánh giá cao về năng lực chuyên môn, khả năng sáng tạo và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp.
Hầu hết các Kỹ sư cơ khí sau khi ra trường đã tự xin được việc làm ổn định với mức thu nhập đảm bảo và điều kiện làm việc tốt, có khả năng phát triển và thành đạt. Có những sinh viên cơ khí Đại học Thuỷ lợi sau 7 đến 8 năm ra trường đã trở thành giám đốc, phó giám đốc, trưởng phó phòng của những công ty lớn.
Nhiều kỹ sư cơ khí đã trở thành các cán bộ cấp cao quan trọng trong bộ máy quản lý nhà nước. Có những người đang đảm nhiệm những chức vụ quan trọng như: Phó chủ tịch tỉnh, Thứ trưởng, Vụ trưởng, Vụ phó, phó viện trưởng, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch huyện, Hiệu trưởng trường đại học, Phó tổng giám đốc, Giám đốc công ty,…
Kỹ sư cơ khí của trường ĐHTL được các cơ sở sản xuất sử dụng đánh giá cao về năng lực làm việc và tính năng động, sáng tạo. Nhiều người sau khi ra trường đã tiếp tục học tập và trở thành thạc sỹ, tiến sỹ, phó giáo sư, giáo sư có những đóng góp khoa học quan trọng trong các lĩnh vực của nền kinh tế của đất nước.
Kết quả NCKH
Hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế của Khoa những năm vừa qua, số lượng đề tài, công bố khoa học đạt ở mức độ ổn định với tổng 37 đề tài các cấp, với 383 công bố khoa học trong nước và quốc tế.
Từ năm 2019-2023, các giảng viên Khoa Cơ khí cũng tích cực nghiên cứu, viết các bài báo đảm bảo chất lượng để đăng tải trên các tạp chí uy tín với 299 bài trong nước và quốc tế, thường xuyên tham gia học hỏi, trao đổi chuyên môn tại trong nước và nước ngoài được báo cáo tại các hội nghị, hội thảo và được đăng toàn văn trong tuyển tập công trình hay kỷ yếu. Các giảng viên Khoa Cơ khí cũng đóng góp một doanh thu rất lớn từ hoạt động khoa học công nghệ và sản xuất, phục vụ cộng đồng, với các đề tài các cấp do các giảng viên cơ hữu của Khoa Cơ khí thực hiện được năm 2019: 3 đề tài; năm 2020: 7 đề tài; năm 2021: 2 đề tài; năm 2022: 3 đề tài; năm 2023: 4 đề tài.
Đặc biệt, các giảng viên Khoa Cơ khí có 04 Bằng độc quyền sáng chế trong công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ từ năm 2020-2024.
Năm học 2022-2023, các nhà nghiên cứu Khoa Cơ khí đã chủ trì và tham gia thực hiện 01 đề tài do VINIF tài trợ, 05 đề cấp Bộ và 05 đề tài cấp cơ sở và tham gia tư vấn, tư vấn thiết kế, thẩm định một số công trình, dự án tại Viện, trung tâm trong Trường. Các giảng viên trong Khoa đã công bố được 38 bài báo quốc tế, trong đó có 29 bài thuộc danh mục SCIE, SSCI, ISI và 09 bài thuộc danh mục Scopus, đứng thứ 3 toàn Trường. Ngoài ra, còn có 40 công trình nghiên cứu khoa học khác được công bố trong các tuyển tập hội nghị khoa học, tạp chí chuyên ngành trong nước.
Bên cạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên, Khoa Cơ khí còn chú trọng phát triển nghiên cứu khoa học trong sinh viên, tạo nhiều sân chơi công nghệ cho sinh viên Khoa. Hàng năm, sinh viên trong khoa tham thi Olympic cấp trường với hơn 200 lượt sinh viên và Olympic cấp Quốc gia với hơn 60 lượt tham gia ở các môn như Nguyên lý - Chi tiết máy, Cơ học kỹ thuật, Sức bền vật liệu, Toán học… và đều có đạt kết quả cao. Hội nghị nghiên cứu khoa học cấp khoa được tổ chức hàng năm với khoảng 40 báo cáo, 100 sinh viên tham gia. Thường xuyên tham gia các sân chơi công nghệ toàn quốc như: Cuộc thi “Sinh viên Thủy lợi với ý tưởng khởi nghiệp”, Canon Chie Tech, cuộc thi” Lái xe xanh do Honda tổ chức… và đều đạt được thành tích cao.
Hợp tác doanh nghiệp và hợp tác quốc tế
Điểm nổi bật của Khoa Cơ khí là hợp tác doanh nghiệp và hợp tác quốc tế đã được đẩy mạnh trong những năm qua, tăng cả về số lượng và chất lượng. Điều đó được thể hiện ở việc Khoa Cơ khí đã chủ động tìm kiếm các đối tác, hợp tác và ký kết với rất nhiều công ty, đơn vị trong và ngoài nước.
Khoa Cơ khí có mối quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học với các đơn vị trong và ngoài nước. Đặc biệt trong nghiên cứu khoa học với Viện Công nghệ vật liệu, Viện Hàn lâm mỏ Freiberg – CHLB Đức. Hợp tác các dự án nghiên cứu với các trường Đại học Hàn Quốc như Trường Đại học Chung Ang, Trường Đại học Kangnam, với Đại học Nhật Bản như Trường Đại học Tokyo Metropolitan. Dự án hợp tác nghiên cứu Drag reduction, Non-Newtonian fluid mechanics, Bio-fluid dynamics, Rheology, Heat transfer, Fluid power.
Ngoài ra, Khoa còn hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động trong và ngoài nước trong đào tạo và tuyển dụng hướng tới mục tiêu đào tạo kỹ sư chất lượng cao làm việc tại: châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, … Đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản như: NDS’s, Daihatsu, Hino, Flora Amie…