GIẢNG ĐƯỜNG ĐẶC BIỆT VÀ CÁCH GIẢI BÀI TOÁN ĐẦU RA CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦY LỢI

Liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp lớn là bí quyết giúp Trường Đại học Thủy lợi không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hướng tới mục tiêu trở thành Trường Đại học đa ngành hàng đầu Việt Nam

Tại số 48 Tam Khương, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội, có một garage ô tô rất đặc biệt. Cũng cung cấp dịch vụ vệ sinh, sửa chữa, bảo dưỡng như nhiều garage ô tô khác nhưng điều đặc biệt là đây còn là “giảng đường” của sinh viên ngành Kỹ thuật ô tô, Công nghệ chế tạo ô tô… thuộc khoa Cơ khí, Trường Đại học Thủy lợi.

Thầy Trần Tuấn Anh, giảng viên phụ trách bộ môn Kỹ thuật ô tô, cho biết, garage được xây dựng theo tiêu chuẩn 5S của Nhật Bản, với thiết kế, từ gạch lát nền, màu sơn tường cho đến trang thiết bị không khác gì một garage ô tô chuyên nghiệp.

Tại đây, sinh viên ngành Kỹ thuật ô tô được tận tay “vọc vạch”, kiểm tra ô tô thật, với giáo trình và bài kiểm tra là chính những đơn hàng kiểm tra, bảo dưỡng xe giống với các garage khác.

Ngoài đảm nhiệm vai trò giảng viên, thầy Tuấn Anh còn đóng vai một người “sếp” của garage và một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp của lớp học, luôn ghi lại hình ảnh của từng sinh viên tham gia thực hành.

“Tôi luôn chụp lại hình ảnh mỗi sinh viên tham gia thực hành, không chỉ để các em “khoe” với bạn bè, gia đình mà sau này còn là điểm cộng rất lớn trong hồ sơ xin việc của các em, vì hầu như không có chương trình đào tạo kỹ thuật cơ khí ô tô nào ở Việt Nam tạo được điều kiện cho sinh viên được thực hành trong garage hàng ngày như tại Trường Đại học Thủy lợi”, thầy Tuấn Anh chia sẻ.

Giảng đường đặc biệt của khoa Cơ khí này là thành quả của quá trình liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với Trường Đại học Thủy lợi, chiến lược quan trọng của nhà trường trước bối cảnh và xu thế mới đang diễn ra trong ngành giáo dục.

TheLEADER đã có buổi trò chuyện với GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi để có cái nhìn toàn diện hơn về câu chuyện liên kết với cộng đồng doanh nghiệp, gắn liền với chiến lược đào tạo đa ngành của nhà trường.

Giảng đường đặc biệt và cách giải bài toán đầu ra của Đại học Thủy Lợi 1
Giảng đường đặc biệt và cách giải bài toán đầu ra của Đại học Thủy Lợi 2

GS.TS Nguyễn Trung Việt: Đại học Thủy lợi từ khi thành lập cho đến nay đã đón 64 khóa sinh viên, trải qua 64 năm xây dựng và phát triển. Trước đây, cùng với một số trường đại học khác như Trường Đại học Mỏ - Địa chất; Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Giao thông vận tải… Trường Đại học Thủy lợi được xây dựng theo mô hình đơn ngành.

Với chuyên môn rất sâu về ba lĩnh vực là thủy công, thủy nông và thủy văn, đội ngũ cán bộ, giảng viên, chuyên gia công tác tại trường, cũng như sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Thủy lợi đã đồng hành với sự phát triển của đất nước, đóng góp rất lớn vào việc khai thác nguồn lợi và giảm thiểu tối đa tác hại của nguồn nước.

Đơn cử như đội ngũ chuyên gia của ngành Thủy lợi, ngay sau khi đất nước thống nhất, đã hết sức tâm huyết và có đóng góp rất nhiều công sức trong việc “thau chua rửa mặn” tại Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần rất lớn biến miền Tây Nam Bộ trở thành vựa lúa của Việt Nam và khu vực.

Có thể nói, suốt hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Thuỷ lợi đã được xã hội khẳng định vị thế là trường đại học hàng đầu về đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và phục vụ sản xuất trong lĩnh vực thuỷ lợi, thuỷ điện, tài nguyên môi trường, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Tuy nhiên, với xu thế hiện tại, để đáp ứng nhu cầu của xã hội, Trường Đại học Thủy lợi đã và đang nỗ lực phấn đấu và định hướng chiến lược trở thành một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu, đa ngành, đa lĩnh vực có năng lực hội nhập cao trong khu vực và quốc tế.

Giảng đường đặc biệt và cách giải bài toán đầu ra của Đại học Thủy Lợi 3

Hiện nay, Trường Đại học Thủy lợi đang đào tạo hơn 70 ngành, trong đó 38 ngành đào tạo bậc đại học chính quy, 22 ngành trình độ Thạc sĩ và 11 ngành trình độ Tiến sĩ, từ một trường Đại học đơn ngành, đến nay có đầy đủ các khối ngành: Kỹ thuật và công nghệ; Công nghệ thông tin; Kỹ thuật Cơ điện tử; Kinh tế và quản lý (bao gồm 11 ngành như Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Kinh tế số, Tài chính - ngân hàng, Kiểm toán; Thương mại điện tử, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Quản trị du lịch và lữ hành…); Khoa học xã hội (Ngôn ngữ Anh, Luật).

Giảng đường đặc biệt và cách giải bài toán đầu ra của Đại học Thủy Lợi 4

GS.TS Nguyễn Trung Việt: Như tôi đã nói ở trên, xu thế hiện tại của giáo dục đại học là giáo dục đa ngành. Với xu thế đó, trường đại học muốn tồn tại và phát triển được thì phải đảm bảo chất lượng đầu ra, đáp ứng được nhu cầu của thị trường và cam kết sản phẩm của mình với xã hội.

Xã hội và nền kinh tế đang có nhu cầu nhân lực rất lớn. Chúng tôi có năng lực, có nguồn lực để cung cấp nhân lực cho xã hội, chúng tôi đảm bảo cam kết đầu ra sẽ đạt yêu cầu, sẽ đóng góp tích cực cho xã hội. Chúng tôi phải thực hiện được cam kết đấy thì mới tồn tại được.

Giảng đường đặc biệt và cách giải bài toán đầu ra của Đại học Thủy Lợi 5

GS.TS Nguyễn Trung Việt: Tùy thuộc vào các ngành, chuyên ngành cụ thể, chúng tôi sử dụng linh hoạt các phương án để nâng cao chất lượng đào tạo.

Ví dụ, đối với ngành Kỹ thuật robot và điều khiển thông minh, một chuyên ngành rất hấp dẫn, “thời thượng” nhưng cũng khá mới mẻ ở Việt Nam, Trường Đại học Thủy lợi thực hiện hợp tác liên kết chặt chẽ với những trường học có thế mạnh về ngành này, như Đại học Hosei và Đại học Chiba, Nhật Bản.

Cụ thể, nhà trường cử giảng viên, cán bộ trao đổi học thuật, chuyên môn ở bên Nhật, đồng thời tham khảo hoặc nhập khẩu học liệu, bao gồm giáo trình, đề cương môn học, tài liệu tham khảo từ các trường đó về dạy cho sinh viên.

Trước đây, với sự hỗ trợ và đầu tư từ phía Nhà nước, với một số ngành thuộc chương trình tiên tiến (chương trình nhập khẩu từ phía đối tác, toàn bộ học liệu và giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh), chúng tôi có thể mời giảng viên từ các trường hàng đầu thế giới về giảng dạy tại trường. Sau 10 năm liên tục triển khai, Nhà nước không tài trợ kinh phí nữa nhưng Đại học Thủy lợi vẫn cố gắng tối đa mời các giảng viên quốc tế thông qua các chương trình hợp tác về khoa học công nghệ và các dự án sản xuất với các chuyên gia của nhà trường về giảng bài, diễn thuyết cho sinh viên.

Liên kết với các trường đại học hàng đầu thế giới còn thông qua mô hình liên thông 2+2, tức là sinh viên học 2 năm ở Trường Đại học Thuỷ lợi, nếu học tốt, đáp ứng đủ điều kiện, sẽ được hoàn thành nốt 2 năm còn lại ở nước ngoài, khi tốt nghiệp nhận được bằng của trường đối tác.

Bên cạnh đó, Đại học Thủy lợi cũng chú trọng liên kết với cộng đồng doanh nghiệp là những người sử dụng lao động, sử dụng “sản phẩm” của nhà trường. Đây là cách để Đại học Thủy lợi “lắng nghe thị trường” một cách hiệu quả.