Bộ môn Kỹ thuật ô tô được thành lập ngày 01/7/2016. Từ đó đến nay, Bộ môn Kỹ thuật Ô tô đã không ngừng được củng cố, lớn mạnh và phát triển.
1. Mục tiêu đào tạo
Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Ô tô trình độ đại học theo phương pháp tiếp cận CDIO (Hình thành Ý tưởng - Thiết kế - Triển khai - Vận hành) để đào tạo ra những kỹ sư đáp ứng tốt các công việc trong ngành ô tô với các năng lực:
Kiến thức và lập luận ngành (học để biết): hiểu biết về lí luận chính trị, nắm vững khoa học cơ bản; vận dụng kiến thức cơ sở kỹ thuật cốt lõi; phân tích và tổng hợp được kiến thức kỹ thuật nâng cao.
Phát triển phẩm chất cá nhân và nghề nghiệp (học để trưởng thành): khả năng lập luận phân tích và giải quyết vấn đề, thử nghiệm, nghiên cứu và khám phá tri thức; khả năng tư duy tầm hệ thống; có đạo đức, tư tưởng, thái độ bình đẳng và các trách nhiệm khác.
Kỹ năng giao tiếp toàn diện, nâng cao kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và làm việc nhóm (học để chung sống).
Sáng tạo, triển khai thiết kế, thực hiện ý tưởng và ứng dụng phù hợp với bối cảnh cụ thể của doanh nghiệp, xã hội và môi trường (học để làm).
2. Hình thức đào tạo
- Hình thức đào tạo: theo hệ thống tín chỉ.
- Thời gian đào tạo: 4 - 4,5 năm.
3. Nhu cầu lao động của ngành đào tạo
Căn cứ vào thị trường ô tô tại Việt Nam, lượng tiêu thụ xe ô tô tăng nhanh bình quân mỗi năm tăng trưởng từ 15 đến 20%, và ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực ô tô. Do đó nguồn nhân lực kỹ thuật cao về lĩnh vực ô tô trên thị trường lao động trong nước đang thiếu hụt. Hơn nữa, các doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu tuyển dụng các kỹ sư kỹ thuật ô tô ngày càng tăng.
4. Nơi làm việc sau khi sinh viên tốt nghiệp
- Đảm nhiệm các công việc kỹ thuật, quản lý chất lượng về nghiên cứu thiết kế, chế tạo và lắp ráp, kiểm tra thử nghiệm tại các nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô;
- Đảm nhiệm các công việc tại các công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ ô tô;
- Đảm nhiệm các công việc điều hành, quản lý kỹ thuật tại các công ty trong lĩnh vực vận tải và Logistics;
- Đảm nhiệm các công việc tư vấn, thiết kế, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về lĩnh vực ô tô tại các Viện nghiên cứu, Trung tâm, trường Đại học và cơ quan cấp Bộ.
- Học tập và làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài theo các chương trình hợp tác của trường Đại học Thủy lợi và Khoa Cơ khí.
- Ngoài ra kỹ sư ngành Kỹ thuật ô tô có thể tự tổ chức các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành.
5. Các điểm mạnh của Ngành Kỹ thuật Ô tô tại Trường ĐH Thủy Lợi
- Chương trình đào tạo Ngành Kỹ thuật Ô tô theo phương pháp tiếp cận CDIO là một giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội, trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra, và các giải pháp đảm bảo triển khai chương trình đào tạo một cách hiệu quả.
- Cơ sở vật chất với các phòng học có điều hòa, phòng thí nghiệm và thực hành hiện đại, máy móc và thiết bị tiên tiến, hình thành không gian học tập CDIO.
- Khoa Cơ khí là đơn vị tiên phong về việc ký kết hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi cho kỹ sư học tập và làm việc sau khi tốt nghiệp.
6. Cơ hội du học và làm việc tại nước ngoài
Khoa Cơ khí, Trường Đại học Thủy lợi đang hợp tác với các công ty của Nhật Bản, Hàn Quốc... để đưa sinh viên, thực tập sinh và kỹ sư Kỹ thuật Ô tô sau khi tốt nghiệp đi du học và làm việc ở nước ngoài.
7. Định hướng phát triển bộ môn:
- Hiện nay cán bộ cơ hữu của bộ môn gồm có 9 Giảng viên, trong đó 2 Tiến sĩ, 1 NCS nước ngoài, 6 Thạc sĩ và 1 Kỹ sư:
- Xây dựng Bộ môn giỏi về trình độ chuyên môn, trình độ sư phạm; có lòng yêu nghề và mạnh về nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất.
- Bộ môn tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo hệ đại học, cao học.
- Đến năm 2025 có 100% Giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên.
8. Thông tin chi tiết hoặc tư vấn trực tiếp
- LIÊN HỆ BỘ MÔN:
TS. Nguyễn Đức Ngọc, Trưởng bộ môn Kỹ thuật Ô tô
Email: ndn@tlu.edu.vn
Website: http://khoacokhi.tlu.edu.vn/
Fanpage: www.facebook.com/cokhithuyloi
XEM THÊM: Danh mục giảng viên Bộ môn Kỹ thuật ô tô